Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta lại ngủ không?
Mình trước đây thì chưa hề nghĩ tới câu hỏi này, vì nghĩ đơn giản, sau một ngày làm việc, chúng ta cần ngủ để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng cho ngày mới. Nhưng, … khi tìm hiểu về não bộ, thì mình phát hiện ra một điều khá thú vị đó là: khi chúng ta ngủ, các tế báo thần kinh co lại, làm tăng khoảng trống giữa các tế bào thần kinh để có thể đào thải suy nghĩ tiêu cực, những cảm xúc lo âu, buồn chán,.. ra ngoài. Vì vậy, giấc ngủ giúp cho trí não được dọn sạch, lưu giữ những thông tin quan trọng và giúp cho não bộ được khỏe mạnh hơn.
Có 2 yếu tố quyết định việc thức và ngủ đó là: Đồng hồ sinh học và Áp lực ngủ
- Đồng hồ sinh học: hiểu đơn giản, đồng hồ sinh học của mỗi người dựa vào chu kỳ ngày và đêm. Chất Melatonin: mang tín hiệu ngày và đêm đến não bộ và cơ thể, Melatonin được giải phóng vào trong máu ngay sau khi hoàng hôn, đạt đỉnh vào khoảng 4h sáng và giảm dần đến hết vào nửa buổi sáng, báo hiệu giờ đi ngủ đến rồi.
- Áp lực ngủ: có một chất gọi là Adenosine. Chất này tăng lên trong máu khi thức, thức càng lâu adenosine tích tụ càng nhiều, ham muốn ngủ càng tăng lên.
Cafeine là chất chống lại Adensonine, vì thế mọi người thường uống café có chất Cafeine để chống lại cơn buồn ngủ. Tuy nhiên, nếu thường xuyên dùng Cafeine để chống lại cơn buồn ngủ thì cực kỳ nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến não bộ và giấc ngủ.
Sau đây là những lợi ích của giấc ngủ:
- Như đề cập ở trên, đầu tiên giấc ngủ sẽ giúp ta dọn dẹp tạo khoảng trống cho não, điều này không những giúp đào thải những độc tố, những suy nghĩ tiêu cực, nỗi đau đớn, thất vọng,… ra khỏi ngoài trí não của chúng ta mà chính những khoảng trống này sẽ giúp ta tiếp nhận thêm những kiển thức mới của ngày hôm sau.
- Giấc ngủ tốt thực sự có thể tăng cường việc học hỏi một cách đáng kể, giúp cho chúng ta ghi nhớ lại những kiến thức mà chúng ta học được trong ngày.
- Giấc ngủ đủ sẽ giúp ta nâng cao khả năng tập trung, giúp cho đầu óc được minh mẫn hơn để làm việc, học tập.
- Ngoài ra, giấc ngủ sẽ làm tăng khả năng sáng tạo của mỗi người và giải quyết vấn đề được tốt hơn.
- Khi chúng ta ngủ, hoạt động cơ chế cân bằng nội môi hoạt động rất tích cực, giúp cho chức năng trong cơ thể như tuần hoàn máu, lưu thông bạch huyết, hệ nội tiết,… được phục hồi bình thường.
- Theo y học Trung Hoa, đồng hồ sinh học của cơ thể người hoạt động hiệu quả theo thời gian nhất định. Chẳng hạn như từ 23h đến 5h sáng hôm sau thì các cơ quan như gan, mật, phổi,… hoạt động sôi nổi để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Vì vậy, mà mọi người thường hay được khuyên rằng phải ngủ trước 23h để các bộ phận này làm tốt nhất công việc của mình, phục hồi chức năng và giúp cho cơ thể của mình được khỏe mạnh hơn.
- Khi nhắc đến giấc ngủ, ta không thể không nhắc đến những giấc mơ. Có rất nhiều nghiên cứu về giấc mơ và có cả lớp học về “Giải mã giấc mơ”. Trong bài này, thì mình chỉ đề cập 1 phần rất nhỏ về tác dụng của giấc mơ đó là: những giấc mơ khi ngủ, sẽ giúp giải phóng năng lượng, cảm xúc buồn vui tức giận trong ngày của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ cân bằng lại cảm xúc sau một giấc ngủ, tinh thần trở nên thoải mái hơn vào buổi sáng hôm sau.
Vậy, điều gì sẽ xãy ra nếu chúng ta mất ngủ:
- Theo các nhà nghiên cứu, thì việc mất ngủ 1 đêm sẽ dẫn đến hậu quả mất đi 30% trong toàn bộ kỹ năng nhận thức. Mất ngủ làm mất đi sự minh mẫn của trí óc, tê liệt suy nghĩ, stress, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, tâm trạng, khả năng lập luận, giải quyết vấn đề và thậm chí còn ảnh hưởng đến sự khéo léo về vận động.
- Khi mất ngủ, khả năng hấp thụ thức ăn giảm xuống 1/3. Khả năng tạo ra chất Insulin và chiết xuất năng lượng từ Glucose (thức ăn quan trọng của não) giảm xuống thảm hại. Đồng thời, bạn sẽ nhận thấy nhu cầu cần nó nhiều hơn vì lượng hooc-môn căng thẳng trong cơ thể bắt đầu tăng lên một cách nghiêm trọng. Điều này, làm tăng quá trình lão hóa cơ thể.
- Khi thiếu ngủ, tim đập nhanh hơn, làm tăng hormon cortisol, làm tăng sự thắt mạch máu và càng dẫn đến việc tăng huyết áp. Ngoài ra, mất ngủ còn gây thêm một số bệnh như sơ vữa động mạch, tiểu đường tuyp 2, làm tăng cảm giác ham muốn ăn, vì vậy bạn sẽ ăn nhiều hơn và tăng cân không kiểm soát.
- Việc thiếu ngủ cũng làm cho chúng ta không kiểm soát được cảm xúc, tình tình nóng giận thất thường và hay nổi quạu,… do cơ thể mệt mỏi.
- Liên quan vấn đề sinh sản, đối với những người đàn ông ít ngủ, thiếu ngủ thì hàm lượng tinh trùng ít và chất lượng tinh trùng cũng biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Đối với phụ nữ nếu thường xuyên ngủ ít hơn 6h một đêm sẽ có nguy cơ giảm 20% hormon giải phóng nang buồng trứng, điều này ảnh hưởng đến tình trạng rụng trứng và khả năng sinh sản.
Như vậy, ngủ bao nhiêu là đủ?
Đầu tiên, dựa vào thời gian ngủ, người ta chia thành những dạng người sau:
- Có những người, ngủ sớm vào buổi tối (khoảng 9h tối) và thức dậy sớm vào sáng hôm sau (trước 6h sáng). Họ thường tỉnh táo và làm việc hiệu quả vào buổi sáng trước bữa ăn trưa.
- Có những người – biệt danh là cú đêm, họ thường thức rất khuya (có khi đến 3h sáng) và thường dậy rất muộn vào sáng hôm sau (có khi sau 10h sáng). Và tất nhiên, họ thường làm việc hiệu vào ban đêm
- Và có những người không rơi vào 2 trường hợp rõ ràng như trên mà có sự giao thoa giữa chúng.
Có 1 số ý kiến cho rằng, thời gian ngủ lý tưởng cho mỗi người là: khoảng từ 7-8 tiếng.
Nhưng cũng có một số các nhà khoa học khác, cho rằng: không có khoảng thời gian nào chung cho tất cả mọi người. Bởi, thời gian ngủ của mỗi người là khác nhau: phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác, giai đoạn phát triển như trẻ em hay trong độ tuổi dậy thì, có mang thai hay không,…
Nói đến đây, thì mình rất cảm thông với những phụ nữ đang mang bầu và các mẹ đang có con nhỏ. Vì giấc ngủ thực sự của các mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của các con và thường thì rất hiếm khi ngủ đủ và chất lượng 7-8 giờ/ngày.
Sức mạnh của giấc ngủ trưa:
- Một nghiên cứu của NASA (Cục Quản trị Hàng Không và Không Gian Quốc Gia) đã chỉ ra rằng: giấc ngủ trưa 26 phút đã cải thiện thành tích của phi công hơn 34%.
- Nếu dành khoảng từ 15-20 phút ngủ trưa là bạn đã có thể xóa tan mệt mỏi và không những giúp cho mắt được nghỉ ngơi mà nhiều cơ quan trong cơ thể cũng tạm dừng hoạt động để bạn có thể làm việc, học tập được tốt hơn vào buổi chiều thay vì phải chiến đấu với sự mệt mỏi, thiếu tập trung nếu không chợp mắt nghỉ trưa.
Nếu ai là đồng nghiệp cũ của mình sẽ biết, ở công ty trưa nào mình cũng phải chợp mắt ít nhất 5 phút hoặc hơn (dưới 30 phút) để đôi mắt và các bộ phận khác được nghỉ ngơi. Nếu không được ngủ trưa thì buổi chiều, mình mệt mỏi kinh khủng, đầu óc quay cuồng (thường hay nói vui là: như gà mắc dịch). ^_^
Tóm lại, giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta vì vậy chúng ta cũng cần quan tâm đúng mực đến giấc ngủ để đảm bảo mình ngủ đủ giấc và đủ sâu. Nếu bạn bị chứng mất ngủ thì cần có hướng dẫn của bác sĩ để điều trị và sử dụng thuốc đúng cách, không nên lạm dụng thuốc ngủ vì nó sẽ có các tác dụng phụ và 1 trong những tác dụng phụ đó là khả năng ghi nhớ kém. Tuy nhiên, không phải vì ngủ là tốt cho sức khỏe mà chúng ta ngủ nhiều bởi “ĐỜI NGẮN, ĐỪNG NGỦ DÀI” (Robin Sharma) đúng không cả nhà?!