Bài viết

Nghệ thuật chăm sóc trẻ em, người già

Có thể vô tình hay hữu ý mà mình có trải nghiệm trong việc chăm sóc trẻ em (các con của mình, các cháu của mình trong thời gian ngắn) và chăm sóc người già (phụ chăm sóc bà của mình), nên mình đúc kết được 3 yếu tố hay phẩm chất quan trọng mà người chăm sóc cần có khi chăm sóc trẻ em hoặc người già đó là:

  • Kiên nhẫn
  • Bao dung
  • Yêu thương

Đầu tiên, người chăm sóc trẻ em được đề cập ở đây có thể là ông bà, cha mẹ, bảo mẫu, cô giáo,..

Người chăm sóc người già có thể là: con cháu của ông bà, những người làm trong viện dưỡng lão, hay những người được thuê để phụ giúp việc chăm sóc ông bà già.

Phẩm chất đầu tiên đó là sự kiên nhẫn. Trong bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có đức tính kiên nhẫn, nhưng với những người làm nhiệm vụ chăm sóc thì đức tính hay phẩm chất kiên nhẫn này cần đặc biệt cao hơn. Thật vậy, nếu là cô giáo dạy mầm non mà bạn không có lòng kiên nhẫn thì rất khó theo đuổi nghề nghiệp này lâu dài. Với vai trò làm mẹ, người giữ trẻ, hay ông bà ở nhà chăm sóc cháu, nếu không có kiên nhẫn thì bạn sẽ dễ dàng nổi cáu khi trẻ không nghe lời hoặc làm điều gì đó sai so với yêu cầu của người lớn.

Ví như, việc hướng dẫn cho trẻ đánh răng, để thời gian cho trẻ làm quen với việc cầm bàn chải như một món đồ chơi, rồi hướng dẫn trẻ cách đánh răng, cách không nuốt kem thì mất ít nhất vài tuần đến vài tháng, tùy vào từng trẻ khác nhau mà thời gian để trẻ thuần thục việc chăm sóc răng miệng cũng khác nhau. Vậy, để làm được điều này, thì người làm ba/mẹ hoặc người chăm sóc trẻ sẽ phải dành thời gian và kiên trì nếu không sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Tất nhiên, khi trẻ lớn, tự trẻ sẽ có ý thức vệ sinh răng miệng hợp lý, nhưng nếu cha mẹ để bé đến lớn thì e là hàm răng của bé cũng đã không còn đẹp như được mình chăm sóc rồi.

Ở mỗi lớp học mầm non, có 2-3 cô giáo dạy trẻ quản lý một lớp học khoảng từ 15-20 bạn nhỏ, nếu có sự kiên nhẫn, chịu khó thì các cô sẽ dễ dàng quản lý lớp học tốt hơn. Nếu cô giáo kiên nhẫn thì sẽ cảm thấy ít khó chịu hơn khi trẻ khóc hoặc la hét trong lớp.

Với việc chăm sóc người già yếu cũng vậy, khi có kiên nhẫn, bạn sẽ thấu hiểu hơn những hành động hay lời nói của họ để mà phản ứng hợp lý nhất có thế. Chỉ một hướng dẫn thôi, nhưng nhiều khi bạn cần phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì những người già yếu mới có thể làm đúng như yêu cầu của bạn. Chẳng hạn, bạn nhắc người già đi vệ sinh đúng nơi quy định, quàng khăn choàng cổ khi lạnh, hay mang dép khi đi trên sàn,… nhưng họ sẽ không làm theo lời bạn ngay tức khắc do có thể họ quên, hay đơn giản có thể họ không thích,… Nếu không có sự kiên nhẫn giải thích, nói lời ôn hòa và hướng dẫn nhiều lần thì bạn sẽ trở nên gắt gỏng, hoặc vô ý nói lời tổn thương đến họ.

Phẩm chất thứ 2 bạn cần có khi chăm sóc trẻ em hoặc người già đó là sự bao dung. Hãy từ ái với những hành động của trẻ hay người già mà bạn cho rằng nó không đúng hoặc sai so với ý của bạn. Bởi nếu bạn hiểu, các giai đoạn phát triển của trẻ, những khả năng và nhận thức của trẻ ở từng giai đoạn hay những thử nghiệm của trẻ để biết điều đó là hành động đúng hay sai thì bạn sẽ dễ dàng chấp nhận và bao dung hơn đối với trẻ. Với người già cũng vậy, họ có thể thường hay làm trái ý của bạn, nhưng nếu biết được nguồn gốc sâu xa những hành động đó là họ muốn bạn chú ý, muốn bạn quan tâm hơn thì bạn sẽ bao dung và rộng lượng đối với họ.

Chẳng hạn, trong lớp học có bạn ít giơ tay phát biểu, không thích tham gia vào các hoạt động vui chơi cùng với lớp mà lại thích ngồi một mình cặm cụi, tỉ mỉ gấp giấy, cắt giấy hay vẽ… nếu là cô giáo, bạn hiểu đó là bạn nhỏ sống hướng nội, không thích ồn ào, thì bạn sẽ thông cảm hơn, bao dung hơn và có những hành động nhẹ nhàng hơn để khuyến khích em bé đó tham gia vui chơi cùng với các hoạt động khác trong lớp thay vì la mắng hay phạt bạn nhỏ ấy.

Sự bao dung, thấu hiểu cũng rất cần cho ai chăm sóc những người già, bởi khi già có những người hoặc là thường trở nên rất khó tính hoặc là sẽ làm ngược lại với những gì mà người chăm sóc yêu cầu. Chẳng hạn như bạn yêu cầu người già vứt rác vào thùng rác, nhưng nhiều khi họ sẽ không làm vậy. Hoặc họ sẽ nói rất nhiều hoặc lặp đi lặp lại 1 việc khiến bạn đôi khi thấy phiền, nhưng hãy hiểu là đôi khi họ không còn minh mẫn để thực hiện đúng những việc tưởng chừng rất đơn giản ấy.

Phẩm chất cuối cùng mà mình nghĩ là khá quan trọng cho những người làm công việc chăm sóc trẻ em hay người già đó là tình yêu thương. Khi có đủ yêu thương thì bạn sẽ có kiên nhẫn với trẻ em và người già, khi có yêu thương thì bạn sẽ thấu hiểu và bao dung hơn với những hành động, lời nói của trẻ em và người già. Tình yêu thương thuần khiết sẽ là động lực để làm bạn làm tốt nhất công việc của người chăm sóc trẻ em hoặc người già. Thật sự rất khó nếu bạn không yêu trẻ mà làm nghề cô giáo dạy trẻ, và nếu bạn không yêu thương ông bà, bố mẹ hay người già mà bạn cần chăm sóc thì làm sao bạn có thể chăm sóc họ được tốt, chỉ có trái tim mới chạm được đến trái tim mà thôi.

Hôm trước, mình có đọc đâu đó về nguyên nhân của stress/trầm cảm, trong đó mình rất ngạc nhiên về một nguyên nhân đó là: việc chăm sóc người ốm cũng làm cho một số người stress/trầm cảm. Tất nhiên, không phải số đông nhưng theo nghiên cứu là số ít phần trăm chứ không phải là không có. Vì thế mới hiểu, công việc chăm sóc không hề đơn giản như bạn nghĩ đâu ạ, nó đòi hỏi rất nhiều ở công sức, thời gian và trái tim của bạn để làm tốt vai trò của người chăm sóc. Vì vậy, mình hãy cảm thông, chia sẻ với những cô giáo mầm non, những người đang làm công việc chăm sóc trong viện dưỡng lão, hay những người thân xung quanh mình đang làm vai trò chăm sóc này.

Trên đây là những chia sẻ về những phẩm chất quan trọng cần có của người chăm sóc trẻ em hoặc người già mà mình đã/đang trải nghiệm và đúc kết. Những yếu tố mình kể trên có thể đúng với mình nhưng chưa chắc đúng và phù hợp với người khác. Tuy nhiên, nhìn chung thì công việc chăm sóc này cần lắm những trái tim yêu thương nồng ấm.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *